Friday, October 31, 2008

Thú chơi Zippo

Vậy là bạn vừa đột nhiên khám phá ra rằng mình hiện đang sở hữu đến hơn 1 cái Zippo . Có người có tới 3 hoặc thậm chí là 5 cái hay hơn nữa không chừng và những lúc rãnh rỗi bên quán cafe, việc cả bọn cãi nhau như mổ bò về cái Zippo của một tay nào đó trong bọn đã không còn là việc hiếm nữa .

Như thế nào là một cái Zippo quí?

Câu hỏi này vốn rất dễ gây tranh cãi khi người ta cố tình chỉ đề cập đến cái giá trị bề mặt mà không nhắc đến một khía cạnh khác vốn quan trọng hơn của cái Zippo mà bạn vừa quyết định đưa vào tủ kính sáng nay. Đó có thể chỉ là một cái Zippo trơn nhẵn nhưng là quà đích thân cầm tay đem về từ phương xa . Là tấm lòng giữa những người thân, bạn bè quen biết nhau ... Giá trị của nó nằm ẩn kín trong đó. Giá trị của nó được tôn thêm một lần nữa khi bạn cho nó "về hưu" và đặt riêng ra cho nó một chỗ nằm trang trọng . Cái tình thân giữa thân hữu với nhau, qua thói ưa thích sưu tập, sẻ được bạn duy trì, nhìn thấy và nhớ đến, mỗi ngày, như thế đấy.

Căn cứ theo giá trị bề mặt thì cái Zippo đắt giá nhất thế giới hiện nay là một cái Zippo đời 1933 mà vào năm 2007 vừa qua, trong một cuộc đấu giá công khai do nhà Zippo tổ chức tại Bradford, Pennsylvania, nó đã được mua với giá 37 ngàn đô la. Ngoài ra, tùy theo tuổi đời, độ hiếm, tình trạng và kỷ thuật trang trí mà nó mang trên thân mình, những cái Zippo đáng giá vài ngàn đô la đã không còn là chuyện lạ đối với dân sưu tập nữa. Cộng đồng những người sưu tập Zippo hiện nay đã lên đến con số nhiều triệu người và trãi dài trên khắp các lục địa . Việt Nam cũng là một vùng đất thiêng của loại Zippo khét tiếng toàn cầu: Zippo thời chiến tranh Việt-Mỹ.
Photobucket
Zippo 1947, kỷ vật cá nhân của một cựu quân nhân Hoa Kỳ thời hậu đệ nhị thế chiến

* Giá càng cao thì Zippo càng xịn ?

Đối với dân sưu tập thật sự và đại đa số người xài Zippo, một cái Zippo khoảng trên dưới 30 đồng là đã tốt rồi. Trừ phi bạn đã quá "lậm" với thú chơi, đã thật sự bị nó cuốn hút, đã trở thành một sưu tập gia và tương đối đầy đủ một chủ đề, nay lại muốn bành trướng hơn nữa các dòng Zippo thì lại khác! Khi đó thì giá cả đã không còn là vấn đề tiên quyết mà cái quan trọng lúc này là xem bạn có "duyên" với cái Zippo nào đó hay không. Duyên số thôi bạn ạ. Dĩ nhiên nếu như vào lúc này mà bạn có 1 triệu đô la trong tay thì tất bạn có thể gom đủ toàn bộ tất cả các loại Zippo từng sản xuất từ trước đến giờ. Nhưng như thế thì đâu còn gì là sưu tập nữa. Nó đơn thuần chỉ là một hành động tom góp nhờ nhiều tiền, thế thôi! Sưu tập phải là săn lùng trong kiên nhẫn (và cả kín đáo nữa - Người bán mà biết bạn đang mê một em nào đó thì bạn chỉ có từ cháy cho tới lủng túi hoàn toàn), đôi khi thất vọng, gạt hẳn tên nó ra khỏi danh sách "Ước muốn mùa Noel" của mình thì nó lại lù lù vác mặt đến gõ cửa, trong vài trường hợp, bạn sở hữu được với giá gần như là cho không so với giá trị thật. Hãy tin tôi, một khi đã dấn thân vào trò chơi này thì bạn sẻ thấy rằng Duyên là một yếu tố không thể thiếu trên hành trình của người sưu tập .

Vậy thì điều gì đã làm cho Zippo trở thành một món hàng sưu tập "thời thượng" đến thế, câu hỏi đơn giản này thoạt tiên dễ làm cho người bình thường liên tưởng đến một chiếc bật lửa làm bằng quí kim và được khảm lên thân những loại đá quí khác như kim cương chẳng hạn. Nhưng không! Nếu biết rằng hầu hết Zippo đều được làm bằng đồng thau, chắc hẳn là bạn sẻ ít nhiều kinh ngạc . Từ kinh ngạc dẫn đến tò mò rồi bị nó cuốn hút, trở thành một niềm đam mê thú vị ... không phải là một đoạn đường dài.

Dạo một vòng quanh các website về sưu tập Zippo trên thế giới, nếu rành tiếng Anh một chút thì bạn sẻ dễ dàng đi đến kết luận rằng: Đối với những người sưu tập Zippo nhiều năm thì cái Zippo đầu tiên của họ luôn là cái được nhắc đến nhiều nhất khi họ nói về bộ sưu tập của mình . Thường thì chúng là loại Zippo tầm thường nhất nhưng chúng đã đánh ngã và làm xiêu lòng chủ nhân của nó hồi từ thuở mới tập tành ... nghiện Zippo .

Mối tình đầu tiên luôn chiếm chỗ quan trọng nhất là vậy.
Photobucket
Mối tình đầu của tác giả

* Chọn cho mình một chủ đề

Vừa tập tễnh vào nghề chơi là tôi mắc ngay cái bệnh cố hữu của hầu hết tân binh khác. Thấy cái Zippo nào cũng muốn mua và sở hữu, để rồi đến một lúc tự trách mình vì "lẻ ra" mình đã có một cái khác quí giá hơn. Nghề chơi cũng có duyên số. Có đôi khi báu vật xuất hiện, 24 giờ đồng hồ, sau khi bạn vừa dốc cạn túi thỉnh về nhà một em Zippo vốn cũng thuộc hàng chiến đấu chứ không vừa, nhưng "lẻ ra" (lại cái chữ này) nếu kiên trì thêm tí nữa thì bạn đã có được một thằng em "ngầu" hơn ...Đối với những bộ sưu tập mới được gầy dựng, với số lượng chừng giứa 2 hoặc 3 chục cái, việc cô động chúng lại theo chủ đề thường không dễ vì chúng quá tản mác, mỗi cái một kiểu, một chủ đề khác nhau . Cách hay nhất là chia chúng theo chủ đề Nền và Phương pháp trang trí. Đây là những chủ đề căn bản nhất.

Vậy làm cách nào để tránh những sai lầm trong việc sưu tập? Tốt nhất là bạn nên tự chọn cho mình một chủ đề hẳn hòi để mà gầy dựng và đeo đuổi về lâu dài. Có người phải đợi đến khi có trong tay chừng vài chục cái rồi mới bắt đầu chú trọng vào một chủ đề nhất định. Có người "xui xẻo" hơn nên sau khi có hàng trăm cái rồi thì mới giật mình khám phá ra rằng bất cứ loại chủ đề nào mình cũng có vài cái tượng trưng nhưng lại không đầy đủ. Đối với loại người sưu tập này thì giải pháp duy nhất của họ là chọn đeo đuổi chủ đề tổng thể về lịch sử của Zippo. Nghĩa là phải kiếm cho đủ hết tất cả những cái Zippo mẫu của từng thời kỳ, kiểu nào ra mắt khi nào và chấm dứt năm mấy....
Table Zippo
Zippo để bàn, một chủ đề cô đọng và hấp dẫn vì độ hiếm của chúng

* Quảng cáo, khuyến thị, thương hiệu nổi tiếng vv ...

Đây là một chủ đề tương đối phổ thông. Có 2 loại thông dụng là loại do Zippo hợp tác với thương hiệu danh tiếng để làm ra các sản phẩm trên Catalog của hãng hàng năm, thí dụ những thương hiệu đang hiện hành của 2007 và vài năm về trước có thể tìm thấy dễ dàng trên thị trường là rượu Jack Daniel, bia Budweiser, máy móc nông cơ hiệu John Deer, súng Smith & Wesson, xe Ford, Mustang, Harley-Davidson, tạp chí Playboy vv ... Loại thứ 2 là do các công ty đặt hàng theo đơn để Zippo sản xuất theo ý họ rồi làm quà tặng nhằm quảng cáo, gia tăng sức bán, loại này thường gặp đối với các hiệu thuốc lá như Marlboro và Camel, Winston, 555 và khó tìm hơn các loại có mặt trên Catalog vì chúng chỉ được tặng chứ không bán.

Có những người thậm chí chuyên săn lùng những thương hiệu đã phá sản, ít người còn nhớ đến. Hoặc độc đáo và cao giá hơn nữa là những quảng cáo của các sản phẩm mà vì đặc thù của loại hình kinh doanh, hiện thời lại được đặt ra ngoài vòng pháp luật, trở thành bất hợp pháp nếu tiếp tục dùng Zippo để quảng cáo. Thí dụ như vịt Donald hay chuột Mickey là những sản phẩm của trẻ em nên không được quảng cáo trên Zippo vì Zippo là vật dụng dùng hút thuốc lá. Hay như luật mới cấm các hãng thuốc lá biếu không các sản phẩm mang tính khuyến khích hút thuốc nên Camel và Marlboro phải ngưng các chương trình trên và lòn lách qua mặt bằng cách tặng những các Zippo trơn láng mà thôi. Riêng Camel thì nếu dư tiền để tom góp đầy đủ các mẫu của chúng hẳn bạn phải có đến vài trăm cái. Xét về mặt mỷ thuật thì môĩ một kiểu của Camel đều đáng đồng tiền bát gạo và là một tác phẩm nghệ thuật hội hoạ hẵn hòi. Camel còn là thương hiệu duy nhất tự mình làm thành một dòng riêng biệt trong sưu tập Zippo bởi sự đa dạng và các "nhân vật" Lạc Đà đầy cá tính. Có cả một quyển sách chuyên về Zippo Camels và Camel Zippo thường có giá khá cao.
Photobucket
Một trong 3 kiểu của loại Zippo Camel để bàn

Thương hiệu thứ nhì về sự đa dạng và nổi tiếng được nhiều người đeo đuổi là Hardrock Cafe, để có được những cái Hardrock Cafe thì cách gần như duy nhất là bạn phải đi du lịch đến tận chỗ để mà mua và thường thì Hardrock Cafe chỉ có mặt ở những đại đô thị hay thành phố danh tiếng về du lịch. Một vài trường hợp có giá cao vượt hơn hẳn các loại Hard Rock Cafe thông thường thí dụ như đối với những cái Hardrock Cafe đã đóng cửa, vì lý do chiến tranh chẳng hạn, như The Hardrock Cafe Baghdah ... Và để mua được một cái Hardrock Cafe Zippo thì phải tốn một chuyến du lịch cho nên chúng ta có thể tạm coi chủ đề Hardrock Cafe là tốn kém nhất nếu đeo đuổi nó.

* Nhân vật, sự kiện, chu niên hoặc các loại design đã ngừng sản xuất.

Các nhân vật của lịch sử cũng là một chủ đề thú vị, nó cho ta cái cảm nhận rõ hơn về sự đóng góp của những con người phi thường trong lịch sử. Chủ đề này vốn không đa dạng, có thể phải mất đến vài năm chỉ để mua được thêm một cái mới. Có thể xem chủ đề về các nhân vật là một nhánh phụ, ít tốn kém, cho phép chủ nhân mở rộng được bộ sưu tập của mình sang các nhánh khác. Xin đừng tưởng rằng chủ đề Nhân vật của Lịch sử này là dễ đeo đuổi và bổ xung. Có những người được ưa thích ở vùng địa lý này nhưng lại bị xem thường ở vài vùng địa lý khác - đặc biệt là với lãnh vực chính trị. Những cái Zippo gần đây và hiện vẫn còn tìm thấy được trên thị trường là các nhân vật của nghành giải trí, văn nghệ-văn gừng như Elvis Presley, Marilyn Monroe, James Dean, Johnway... bên khoa học cơ khí thì có bản kỷ niệm anh em nhà Wright với sự kiện 100 năm ngày họ cất cánh mở đường cho kỷ nghệ hàng không, không gian. Trước đó thì có series Tổng Thống (Hoa Kỳ) với các vị danh tiếng như Washington, Lincoln, Reagan, Kenedy và Eisenhower. Series này được làm bằng thau mạ kền, đánh bóng (High-polish chromed) trang trí bằng kỷ thuật ăn mòn bằng acid. Design là hình chân dung cùng một câu nói nổi tiếng của vị TT ấy. Thí dụ cái của Kenedy thì có câu nói nổi tiếng "Đừng đòi hỏi ở quốc gia ... " của ông. Thí dụ đặc trưng cho loại hàng độc trong chủ đề này là ảnh chân dung của Ché Guevara dành cho thị trường các quốc gia Châu Mỷ La tinh, người sưu tầm ở Mỷ sẻ rất ít biết tới những cái Zippo như thế này. Đặng Tiểu Bình gần đây cũng đã có mặt trên Zippo bán ở thị trường China.
Che
Nhà cách mạng yểu mệnh Che Guevara

Có những chủ đề bị ràng buộc bà con với một chủ đề khác vì nó mang trên thân mình nhiều ý nghĩa khác nhau, thí dụ như 100 năm anh em nhà Wright cất cánh bay vào không trung, vốn có thể xếp vào chủ đề Nhân Vật nhưng cũng có thể là Sự kiện (ngành hàng không ra đời), Chu niên (kỷ niệm 100 năm) và Không gian - vốn xứng đáng được xếp riêng một chủ đề riêng biệt. Nổi tiếng nhất trong chủ đề không gian là kiểu của năm 1969 nhân sự kiện con người đổ bộ mặt trăng với cách trang trí lừng danh Town & Country mà giá cả đã lên đến bạc ngàn nếu ở vào tình trạng hoàn hảo, chưa từng bật hay châm xăng lần nào .

* Thể thao và các cuộc tranh tài toàn cầu.

Đối với người Mỷ thì chỉ có Bóng bầu dục, Bóng chày và Bóng rỗ là 3 thứ quốc hồn của họ, còn Túc cầu cho đến giờ vẫn còn chưa lấy được đà cho dù Mỷ cũng đã tham dự vài lần cúp Thế giới của FIFA. Từ nhiều năm nay, Zippo đều đặn duy trì loạt sản phẩm với chủ đề Thể thao của mình với vài chục Logo của các đội bóng chày và bóng bầu dục (dĩ nhiên) nhưng lại thiếu vắng Túc cầu. Điều này chỉ góp phần làm tăng thêm giá trị của những cái Zippo chủ đề Túc cầu vì thị trường Nhật và Âu Châu vẫn đều đặn đặt hàng cho riêng họ từ nhiều năm qua trong những dịp tranh tài của FIFA, cả các series cho các đội bóng tròn chuyên nghiệp của Âu Châu nữa. Đối với tín đồ Túc cầu giáo ở VN mình thì một cái Zippo bạc khối có đính một bản thu nhỏ của FIFA cup bằng vàng 14Karat trên thân, nhân kỷ niệm một kỳ WorldCup nào đó, dù sẻ có giá đến vài trăm hoặc bạc ngàn (đô la) thì bảo đảm cũng sẻ có người sẳn sàng bỏ tiền ra mà chơi cho mà coi. Dân mình vốn mang sẳn tíếng "chịu chơi" mà lị! Chủ đề Thể thao là một chủ đề rộng lớn và thú vị. Đối với những môn truyền thống mang tính gia đình của người Mỷ thì loạt Sport Series phát hành từ thời 40's kéo dài cho đến ngày nay - với những loạt tái bản và biến thể, design mới - vẫn còn được ưa chuộng. Các mẫu thông dụng như Câu cá, Bowling, Golf, Trượt tuyết, Bắn vịt trời vv .... vốn là các series tiếp nối sau khi Town&Country ngừng sản xuất vì kỷ thuật Etched&Paint được đưa vào áp dụng đã giúp giảm giá thành sản xuất, thay cho T&C vốn tiêu tốn nhiều công sức và đòi hỏi tay nghề cao. Series Sport kéo dài sang đến thập niên 90's và ngày nay thì Zippo Nhật vẫn tiếp tục ra mắt các loại tái bản khác nhau trên nhiều kiểu khác nhau, kiểu thông dụng lẫn kiểu 1937 và kiểu 1941.
Photobucket
Săn vịt trời. Môn thể thao được ưa chuộng từ nhiều thế kỷ

Chủ đề Thể thao là một chủ đề hứa hẹn tốn tiền khá nhiều. Các series của thời 40's, 50's, 60's thì giá khá cao. Các bản mới hơn - nhất là đối với Túc cầu - thì lại thuộc loại Chọn lọc (Choice) và Giới hạn (L.E) đặt hàng riêng từ các thị trường đắt đỏ. Theo dòng này, bạn sẻ thường xuyên gặp các dòng đắt tiền.

* Zippo nghệ thuật: Mãnh đất màu mỡ của nghệ sĩ

Cùng với sự hồi sinh của nền kinh tế thế giới thời hậu chiến, thiên hạ lại có it tiền bạc rủng rĩnh trong túi , các sản phẩm trang sức đắt tiền lại được bày ra trên kệ tủ những hiệu kim hoàn danh tiếng thế giới. Đồng hồ, nhẫn, bật lửa vv... là những vật trang sức phải có của quý ông thời bấy giờ. Loại bật lửa đắt tiền cũng bắt đầu xuất hiện thêm nhiều từ đây - ngoài nhà Dunhill từng có dòng quẹt bằng vàng khối từ thập niên 20's. Riêng Zippo thì đã nhường hẳn phần đất này lại cho các nghệ sỉ của nghành kim hoàn, khởi đầu bằng những sản phẩm bằng bạc do chính họ sản xuất và trang trí bởi nhà Tiffany. Các loạt sản phẩm này mang mộc Zippo cùng với cả dấu của Tiffany. Đây là những tác phẩm nghệ thuật và không rẽ, chỉ bán ở những tiệm kim hoàn lớn.

Ăn khách và nổi tiếng một cách kiêu hãnh, dòng Zippo bạc nghệ thuật góp mặt với đời thêm một nhánh mới của chi họ nhà mình. Loại Zippo vỏ bằng bạc do thợ kim hoàn điêu khắc bằng tay và mang ruột Zippo chính hiệu. Giá của một cái Zippo loại này thường đắt gấp vài chục lần loại Zippo cơ bản rẽ nhất. Khi tìm hiểu về chủ đề này, tôi thường tự hỏi không biết những tiệm kim hoàn ngày xưa mua Zippo về lấy ruột còn vỏ thì bỏ đi đâu? Tuy vậy, dòng Zippo này rất hiếm vì nhiều nguyên nhân . Chúng rất đắt tiền lúc đương thời nên số lượng đã là không lớn, thêm vào yếu tố kim loại quí, có thể bán tính theo trọng lượng nên chúng dễ bị hoá kiếp, nấu chảy trong một vài hoàn cảnh xã hội đặc biệt nào đó.
Photobucket
Zippo vỏ bạc của Guatamela với nghệ thuật gõ búa và đính metallique vàng 14Kt

Sự nổi tiếng hàng thế giới của dòng Zippo đắt tiền thời hậu thế chiến được chứng minh qua các bản Zippo bạc nghệ thuật có nguồn gốc từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, trải trên nhiều châu lục: Châu Á với Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ . Châu Âu với Hoà Lan, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp vv ... Châu Mỷ thì có Mễ Tây Cơ, Peru, Guatemala, Cuba .... Ngày nay, hầu hết chúng đều đã yên vị trong tủ của các nhà sưu tập. Không những chỉ có các nghệ nhân kim hoàn mới chọn Zippo, hàng tá các nghệ sỉ bậc thầy thuộc nhiều trường phái hội họa khác nhau cũng đã chọn Zippo để làm nền cho các tác phẩm của mình. Sơn dầu, sơn nước, sơn phun khí nén ... dù với chất liệu và trường phái nào, người ta cũng dễ dàng bắt gặp những tác phẩm hút hồn người xem, không những chỉ đối với các tác phẩm có một không hai, được phát hành giới hạn, mà ngay cả các xuất phẩm tái bản hàng loạt cũng luôn được giới tiêu dùng lẫn sưu tập gia đón nhận nồng nhiệt.
Richard Wallich set in tin
Bốn tác phẩm sơn dầu của họa sỉ Richard Wallich được tái bản trên nền xi nhám: Guitar, Trống, Piano và Saxophone

Sunday, October 26, 2008

Zippo: Thật và Sai hay là những huyền thoại cần đốt bỏ!!!

Photobucket

* Vỏ và Ruột phải trùng mã (code) .

Hẳn là bạn đã từng nghe hay đọc được ở đâu đó rằng một cái Zippo "xịn" thì mã số giữa vỏ và ruột phải trùng khớp với nhau! Điều này không đúng với sự thật và chúng ta hãy cùng suy luận dựa vào những lý lẻ thông thường, đơn giản để xét vấn đề.

Nhà sản xuất không bao giờ muốn rơi vào tình trạng thiếu hụt hàng hoá cung cấp khi khách hàng cần. Đối với những mặt hàng trong catalog thì đã có số lượng cụ thể cho từng quý hay từng tháng, nhưng đối với mặt hàng quảng cáo cho các công ty, hàng đặt theo đơn của những tổ chức, công ty vv ... thì không thể dự đoán trước cho được!

Điều quan trọng không kém là đối với nhiều cái Zippo được gửi trả về hãng theo bảo hành thì cũng có một số quá tệ mà Zippo thường giải quyết một cách đơn giản là ... thay thế nguyên cái ruột mới tinh cho khách và ... quăng thùng rác cái ruột (hư) cũ.

Sau thời điểm 1992 - đánh dấu sự bùng nổ của giới sưu tập Zippo - thì bắt đầu có những lời than phiền về những cái Zippo đời 40's, 50's ... với ruột của thời 80's ... Lời giải thích lẻ dĩ nhiên là công khai đi kèm với sản phẩm rao bán . Những chủ nhân có nói rõ rằng đây là một cái Zippo có sửa lại rồi bởi chính hãng Giải pháp xuất hiện dựa trên ý kiến của số đông trên các diễn đàn sưu tập tư nhân . Zippo vẫn thay thế - nếu quá tệ - ruột mới nhưng vẫn giữ lại và gửi kèm cùng cái ruột (hư) nguyên thuỷ trở về cho bạn.

Vì thế cho nên số lượng ruột luôn luôn phải được sản xuất nhiều hơn so với vỏ, bởi vì cho dù có dư thì bạn cũng vẫn có thể sử dụng cho tháng kế tiếp nhưng thiếu thi chắc chắn là không ổn đối với uy tín sản phẩm. Vã lại sự khác biệt này vốn chẳng hề ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Thậm chí có cả những cái Zippo mà sai biệt mã giữa vỏ và ruột là năm chứ không phải chỉ là tháng .

Vậy thì cái "huyền thoại" về vỏ ruột phải trùng số đáng được đốt bỏ bạn nhé.

Một lần này rồi thôi!

* Tiếng "Click" khi bật nắp phải thật thanh và sắc.

Có người nói rằng một cái Zippo xịn thì thì khi bật nắp phải kêu coong một tiếng thật thanh và vang. Thậm chí họ còn khẳng định rằng chỉ cần nghe tiếng bật mở nắp là biết được ngay Zippo xịn hay dõm! Với những vị này thì tôi xin ngã nón bái phục sát đất và chắc hẳn là G.G. Blaissdell cũng sẻ phải quỳ mọp tương tự! Không chừng ông ấy còn sẽ phải ngậm ngùi từ bỏ thánh đường Zippo/Case để mà trao vương miện lại cái vị có một thính giác phi thường kia.

Tiếng "click" của Zippo gây ra do cốt cam đập vào nắp lúc mở, tiếng "clap" khi đóng lại là do nắp và thân đập vào nhau. Độ thanh và sắc của Zippo được quyết định do bởi kiểu cách của nó (style). Tôi sẻ cố gắng phân loại để các bạn có thể tự mình so sánh.

1. Đứng đầu, kêu thanh nhất là loại Zippo trơn hoặc xi-mạ kền, mạ bạc. Catalog hiện thời của Zippo định danh chúng là dòng Pure .

2. Thân xi-mạ có dán mề đai phần thân (1 panel).

3. Thân xi-mạ có dán mề đai cả phần thân và nắp (double-panels)

4. Kế sau đó là các loại bạc, vàng và đồng - vì chúng mềm hơn thau nên âm thanh phải ít thanh và vang hơn.

5. Thân sơn phủ bột (Matte) hoặc sơn rạn-nứt (crackle).Tiếng click sẻ đục, trầm và nhỏ hơn một chút.

6. Sơn phủ dán mề đai 1 panel.

7. Sơn phủ dán mề đai double-panel.

8.. Ultra-Lite và Schimshaw: là kiểu được dán trên thân một miếng nhựa giả xương, giả đồi mồi.

9. Ultra-lite và Schim-shaw loại full-body (toàn thân), dán cả 2 mặt trước và sau, cả thân và nắp .

10. Zippo bọc da toàn thân và toàn thân trừ đỉnh của nắp (thời chiến tranh Cao Ly)

Tóm lại là càng có thêm nhiều "vật thể lạ" trên thân thì âm thanh sẻ bị hấp thụ (absorb) bớt từ đó giảm độ thanh và vang .

Mười món ăn chơi vừa kể trên vẫn có thể còn thiếu xót nếu kể ra thêm những loại độc và hiếm như Holgate Zippo hay RoseArt Zippo ... nhưng có sao đâu? Bởi vì chúng ta đã đủ bằng chứng để bật nắp và đốt cho cháy tan thêm một huyền thoại về chuyện "Nghe tiếng kêu biết mặt dân chơi" vừa kể trên bạn nhỉ?

Một lần này rồi thôi!

* Mã dưới đáy phải đúng chiều khi đặt nằm ngửa.


Mộc đáy nghịch chiều có từ thời 1940's và rất thường gặp. Để ý hình được sắp xếp theo từng cặp đối chiếu - thuận và nghịch bản lề. Đời nào cũng có .

Đại đa số Zippo có mộc mã đáy (bottom-code mark) theo một chiều . Bạn sẻ đọc được mộc đáy của Zippo khi đặt nó nằm ngửa trên mặt bàn với bản lề nằm bên tay trái của bạn, nếu mộc đáy lộn ngược là một cái Zippo giả!!

Điều này không đúng!

Thỉnh thoảng bạn sẻ gặp một cái Zippo mang mộc đáy lộn ngược, nghĩa là để đọc được mộc đáy thì bạn phải đặt ngửa và bản lề thì lại nằm bên tay phải của bạn thay vì bên trái như thường thấy. Hãy tưởng tượng bạn đang là người nhân viên trên dây chuyền sản xuất và có nhiệm vụ gắn thân Zippo vào khuôn cho máy dập mộc. Mọi chuyện sẻ bình thường với hàng ngàn hoặc thậm chí hàng trăm ngàn cái Zippo xuất xưởng có mộc đáy như nhau ...cho đến một ngày bạn ngã bệnh không thể đi làm và đồng nghiệp được chỉ định làm thay công việc của bạn lại thuận tay trái thay vì tay phải như bạn, kết quả là chúng ta có những cái mộc ngược. Sự "lộn xộn" này tìm thấy trên những cái Zippo thời 50's cho tới tận bây giờ và nó không phải là một vấn đề đối với nhà sản xuất.

Hẳn là bạn phải đồng ý với tôi rằng chuyện này không hề ảnh hưởng tí tẹo nào đến chất lượng cũng như thẩm mỷ của cái Zippo, đúng không bạn?

Đến đây thì tôi lại đã có thể bật nắp đốt cho cháy tan cái huyền thoại này được rồi phải không?

Hay là bạn muốn tự tay mình đốt nó?

Một lần này rồi thôi!

* Càng nhiều gạch là càng "xịn".


Cái mộc đáy này không có gạch nào cả và giá của nó là 37 ngàn đô la

Mấy năm gần đây nhờ vào internet nên bảng mã đáy của Zippo được phổ biến rộng rãi và đại đa số đều hiểu rằng các vạch (gạch) chỉ đơn thuần biểu thị cho năm sản xuất mà thôi chứ tuyệt không có ý nghĩa về giá trị bề mặt. Zippo vàng 18karat, Zippo bạc nguyên chất hay Zippo bằng thau thông thường thì cũng như nhau. Nếu sản xuất cùng tháng, cùng năm thì chắc chắn chúng có mã số y hệt nhau.

Sự hiện hữu của hệ thống mã-đáy này ra đời từ lời hứa bảo hành trọn đời của Zippo. Sau hơn 2 thập niên xuất hiện trên thị trường, bắt đầu có những sản phẩm được khách hàng gửi về để sửa chửa (khách hàng "ngứa tay" tập búng nắp nên bản lề bị hở, cốt bản lề văng mất ...). Nhà sản xuất cần biết những cái Zippo hư hỏng đó thuộc lô hàng xuất xưởng vào lúc nào vì có những kiểu bán chạy nên được sản xuất liên tục trong nhiều năm. Để có thể phân biệt và phát hiện ra được sai sót - nếu có - nào đó từ phía dây chuyền sản xuất (số lượng hàng hư gửi trả về sửa chửa nhiều bất thường trong một khoảng thời gian nào đó chẳng hạn) ngỏ hầu có thể sửa sai kịp thời.

Khác biệt duy nhất giữa số lượng gạch là số tuổi của chúng.

Càng nhiều gạch thì càng nhiều tuổi hơn mà thôi, nhiều nhất là 8 gạch với 4 cho mỗi bên - dù là gạch thẳng, gạch nghiêng trái (dấu sắc) hay gạch nghiêng phải (dấu huyền)!

Lần này thì tới phiên bạn bật nắp đốt cho tiêu cái huyền thoại vớ vẩn vừa kể trên nhé.

Một lần này rồi thôi!